Thu lợi khá từ chăn nuôi an toàn sinh học

31/10/2013 10:28:02 SA
Thu lợi khá từ chăn nuôi an toàn sinh học

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm theo mô hình bán công nghiệp và ứng dụng theo phương pháp an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học làm cho chuồng luôn sạch sẽ, giúp cải thiện môi trường sống an toàn cho gia cầm, giảm chi phí đầu vào, giảm tỷ lệ mắc bệnh ở gia cầm... qua đó giúp người chăn nuôi thu lãi cao hơn.

Nuôi gia cầm an toàn sinh học ở xã Thương Lương (Bình Long, Bình Phước).

Bà Bùi Thị Loan ở tổ 4, ấp Thanh Bình, thị xã Bình Long (Bình Phước) cho biết, đầu năm 2010, bà đầu tư 2,4 triệu đồng mua 200 con gà giống về nuôi. Lúc này kinh tế gia đình khó khăn nên chuồng trại cho gà sơ sài, thức ăn và thuốc thú y không đủ. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, bà đã lãi khoảng 6 triệu đồng. Từ đây, bà học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi gà, chọn giống gà tốt, chăm sóc gà theo phương pháp an toàn sinh học giúp đàn gà phát triển nhanh, ít dịch bệnh. Bà quyết định tăng đàn gà với kinh phí đầu tư từ 50 - 60 triệu đồng/chuồng. Cho đến nay, đàn gà của bà Loan đạt 15.000 con ở 3 độ tuổi khác nhau với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Khi xuất chuồng, đàn gà đạt trọng lượng bình quân khoảng 1,6kg, bán với giá từ 62.000 -100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà thu lãi khoảng 25.000 đồng/con (tương đương 1 tỷ đồng/năm). Sau 3 năm, gia đình bà Loan từ hộ nghèo đã thoát nghèo và có thu nhập đáng kể, xây dựng nhà cửa khang trang.

Ông Phan Văn Út - chủ trang trại Út Thúy ở xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) lại phát triển mô hình nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học với diện tích 3,5ha, số lượng vịt gối đầu dao động từ 10.000 - 20.000 con. Sau 55 ngày, trang trại xuất bán 1 lứa vịt thịt có trọng lượng từ 3 - 4 kg/con. Cứ sau mỗi lứa vịt, trừ hết chi phí, ông thu lãi 40 triệu đồng. Theo ông Út, đặc điểm của nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học chủ yếu là vệ sinh ao nuôi, bờ đậu cho vịt để giữ sức khỏe tốt cho chúng. Bằng cách nuôi này, đàn vịt của trại không sợ ảnh hưởng dịch bệnh và tiết kiệm chi phí nhân công, rút ngắn thời gian xuất chuồng. 

Qua những mô hình trên cho thấy, người dân đã tiếp cận được quy trình nuôi theo hướng an toàn sinh học, có cách nhìn khác hơn về việc chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông dân được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu kỹ thuật mới để có thể tự áp dụng chăn nuôi trên quy mô rộng.